Monday, November 11, 2013

Bố Tôi

Kim Loan
Ông Nội tôi trong Hội Đồng Hàng Tỉnh, biết tiếng Tây lẫn tiếng Nôm và nét chữ viết rất đẹp. Ông tôi có 4 vợ, thuở ấy giầu thì có nhiều vợ, nhưng ông tôi chỉ được 2 người con: một trai và một gái.

Bố tôi trông thật giống hình ông Nội, lại thừa hưởng gien của ông tôi nên rất đẹp trai và cao ráo. Bố tôi dạy quốc ngữ ở Bình Dân Học Vụ cho dân chúng nên ai nấy rất quí mến, vừa con nhà giàu, đẹp trai, học giỏi lại có lòng nhân từ…

"Con hơn Cha là nhà có phúc" vì ông tôi chỉ có được người 2 con, nhưng bố tôi thì giỏi hơn, từ "con độc cháu đàn" mà bố tôi có gần một tiểu đội: 5 gái, 4 trai.

 Bố tôi quan niệm ăn uống ngon bổ, tốt hơn là uống thuốc . Khi chúng tôi còn bé, bố tôi nói mẹ tôi nên  đưa chúng tôi ra bến Bạch Đằng chơi vào buổi sáng phơi nắng cho cứng xương cốt, thời đó công viên sạch sẽ, có băng ghế ngồi ngắm cỏ hoa, có những đồ chơi để trẻ con chơi, như cầu tuột, xích đu, nắng sáng ấm thêm vào gió sông man mát.
Có những chủ nhật bố tôi chở cả nhà đi Biên Hòa hay Thủ Đức để cắm trại, cho chúng tôi chạy nhảy, đá banh, lội suối...leo cây hái trái điều, trái sim ăn tím cả miệng. Trẻ con khi ăn cơm không được nói chuyện sợ bị sặc hay hóc đồ ăn. Mặc dù nhà đông con và có người giúp việc nhưng bố tôi cũng nói các con phải phụ một tay; tùy theo lớn nhỏ sẽ “giữ chức” quét nhà, hay lau bàn ăn…Khi đưa dao kéo cho người khác phải cầm phía đầu để người nhận có sơ ý thì cũng không bị thương…

Khi chúng tôi có lỗi, thường bố tôi kêu những tên “phạm tội” ra khoanh tay đứng & hỏi biết đã làm lỗi gì không?  Tội nhẹ thì sẽ được tha, tội nặng hơn thì phải nằm xuống đi-văng chỉ bị 1 roi “dơ cao đánh khẽ” cho sợ và sẽ nghe câu kế tiếp : nếu lần sau còn phạm tội ấy nữa thì sẽ bị 3 roi…

Hồi tôi học lớp nhì (lớp 4 bây giờ) lúc đó phải học 1 giờ Pháp văn trong tuần, bố tôi đã kèm tôi tiếng Pháp và để khuyến khích các con cố gắng học giỏi, bố tôi mua cả xấp vé ciné của rạp Cathay gần nhà, nếu học có bảng danh dự từ 1-10 thì được 1 vé ciné… Sau này vì bố tôi bận học thi củ nhân Luật & Văn Khoa nên phải tìm các sinh viên đến kèm chúng tôi học bài.

Những đêm trăng sáng, cả nhà đem ghế bố lớn và ghế bố cá nhân ra sân trước nhà hóng mát, lúc đó Bố tôi đố chúng tôi cửu chương, đố đọc xuôi, đọc ngược phải đếm ngón tay để biết đang đọc tới lần mấy, nhờ thế chúng tôi làm toán nhân hay chia rất nhanh.

Nhiều lần đi tu nghiệp ở Mỹ, lần nào trở về bố tôi mua thật nhiều quà: đồ chơi, búp bê và các loại thức ăn mà VN không có : mơ sấy khô, kẹo dẻo đủ mầu & đủ mùi, chocolate…vì bố tôi rất ham học nên khi lớn lên chúng tôi thích học thêm gì là được học ngay: tiếng Anh , tiếng Nhật, rồi vẽ tranh, nặn tượng, cắm hoa, làm hoa giả, đến học nấu ăn, học may. Ngoài ra còn cho mấy đứa lớn đi gia đình Phật Tử, sau này thì đi Hướng Đạo.

Vì có tư tưởng công bằng, phóng khoáng nên con trai hay con gái đều được bố tôi coi trọng như nhau. Ngoài việc nhắc nhở chúng tôi học hành hay chưng diện cho hợp thời trang lúc bấy giờ, bố tôi còn nhắc Mẹ tôi sắm sửa một ít nữ trang cho các con gái đến tuổi cập kê; chỉ dậy thêm các con gái cách lựa chọn thực phẩm và học nấu nướng chuẩn bị trước khi lập gia đình…

Mặc dù Mẹ tôi đã dậy dỗ rồi nhưng Bố tôi luôn nhắc nhở thêm con gái lớn nên giữ gìn phòng tắm & nhà bếp lúc nào cũng phải gọn gàng sạch sẽ như ở Âu Mỹ...

Lần chót đi Mỹ về Bố tôi mua 2 vali Samsonite, 2 cái mền nhẹ, đẹp mầu hồng & màu vàng nhạt, 2 bộ trải giường in hoa hồng rải rác rất xinh xắn để làm quà cho 2 cô con gái lớn nhất nhà khi lập gia đình…

 Có một thời bố tôi đi thanh tra bệnh viện ở các tỉnh;  lúc nào cũng có các món đặc sản mang về như kẹo mạch nha Đà Nẵng; tré, kẹo gương, mè xửng ở Huế; mắm tôm chua , cá mắm của miền Tây. Những món ăn nào ngon, đều được bố tôi chỉ kể chi tiết rõ ràng và rồi Mẹ tôi trổ tài nấu nướng cho chúng tôi thưởng thức. Đại khái món ăn của miền này sẽ như thế đó…!


Chúng tôi thật may mắn có cha mẹ thương yêu, lo lắng và hy sinh cho các con cả cuộc đời… Đấy là truyền thống và cách chăm sóc con cái của thế hệ xa xưa ở Việt Nam. Ngày nay, thời đại Internet và máy điện toán đã ảnh hưởng làm thay đổi nhiều đến đời sống con người dù muốn hay không. Ngay ở ngoại quốc, cách sống đã khác xưa rất nhiều…Đa số cha mẹ đều đi làm để lo cho tương lai của các con nên họ không còn nhiều thì giờ để gần gũi và vui đùa với con cái như xưa… Cách giáo dục và học hành cũng khác trước vì trẻ con phải học hỏi nhiều hơn, thì giờ với sách vở và trường học thật bận rộn…

Khi lớn hơn chút vào trung học thì chúng có thêm bạn bè thích tự do, độc lập vì việc học hành, giải trí, thể thao…nên thì giờ sinh hoạt với gia đình và người thân sẽ ít đi. Mỗi thời đại, mỗi thế hệ đều có những vấn đề cũng những giải đáp riêng biệt tùy theo văn hóa, xã hội và tùy hệ thống giáo dục của từng nơi…nên cũng khó có thể so sánh hay hoài cổ về một nền giáo dục, về nét văn hóa hay phong tục của mỗi quốc gia… 

No comments: