Đỗ thị Hồi Sinh
Buổi sáng ông Hội
thấy chân tay mỏi mệt, dường như không cử động nổi,
có lẽ vì chưa hết cảm cúm. Mỗi khi thức dậy, ông có
thói quen bật máy vi tính để xem thị trường chứng
khoán. Bà vợ thứ ba của ông đã đi làm từ lúc nào ông
không rõ. Bỗng nhiên ông thấy choáng váng, hai mắt hoa
lên. Cơn mệt từ đâu đột nhiên ập đến, như có một
tảng đá đè nặng trên người làm ông ngộp thở. Ông
cố gắng với tới điện thoại, và bấm nhanh số đã
cài tự động để gọi đứa con gái ở cách chung cư của
người già không xa…
Xe cứu thương kéo
còi inh ỏi, chuyển ông Hội từ bệnh viện thành phố
nơi ông cư ngụ, đến bệnh viện chuyên khoa về tim. Bác
sĩ Jadet, người Trung Đông, là bác sĩ trưởng của toán
giải phẫu tim cho ông Hội, bước vào phòng tiền giải
phẫu. Ông mặc bộ veste xanh thẫm có hai hàng cúc vàng.
Dáng dấp lịch sự, ông giống như một tài tử hơn là
một bác sĩ. Ông Jadet tươi cười cho biết; ông Hội thật
may mắn vì các động mạch lớn tắc nghẽn 90%, nhưng
được khám phá kịp thời nên ông không bị nguy hiểm
tính mạng. Ông Hội là người được mổ tim đầu tiên
trong ngày, sẽ mất khoảng ba đến bốn tiếng, để làm
4 đường vòng (bypass) cho máu được lưu thông. Câu trả
lời của bác sĩ Jadet chỉ một trên một trăm người mới
bị biến chứng sau khi mổ, làm ông Hội cảm thấy yên
tâm phần nào. Vì nơi đây mỗi năm trung bình họ đã
từng giải phẫu 5000 trường hợp liên hệ đến tim mạch…
Trong lúc chờ đợi,
người phụ y tá chuyển ông Hội lên phòng bệnh nhân ở
lầu ba. Cô y tá người Spanish, có khuôn mặt xinh đẹp,
thân hình nẩy nở, làm việc ở tầng ba, tươi cười
thăm hỏi và cùng lúc điền vào tờ giấy của bệnh
viện:
- Ông Phạm Gia Hội,
ngoài tiếng mẹ đẻ, ông còn nói được tiếng gì?
Không hiểu vì muốn
lấy lòng cô y tá Spanish thân thiện kia, vì hay khen tặng nữ
giới, hoặc thích bông lơn khi thấy người đẹp, ông trả
lời ngay không ngần ngại:
- Tôi nói được
tiếng Anh và Spanish nữa!
Đứa con gái của ông
phàn nàn, chỉ vừa đủ cho ông nghe:
- Ba chỉ biết chào hỏi vài câu bằng tiếng Spanish thôi mà! Sau khi giải phẫu, họ
sẽ gọi để xem bệnh nhân đã tỉnh lại chưa …Nếu họ
nói tiếng Spanish thì làm sao ba trả lời được?
Ông Hội ngượng
ngùng chống chế:
- Thì có sao đâu,
tiếng gì thì tiếng… có mất mát gì đâu!
Sau khi ông Hội ký
tên vào tờ giấy, cô y tá lại vui vẻ, tươi cười thăm
hỏi bệnh nhân thứ hai nằm chung phòng vừa giải phẫu
tim ngày hôm qua. Ông Hội thấy hơi hối hận vì xem thường
sự liên hệ chặt chẽ về bệnh nghẽn tim và kết quả
thử nghiệm chất mỡ trong máu quá cao của ông sáu tháng
trước. Mỗi ngày ông vẫn nhớ uống thuốc trị mỡ
trong máu, nhưng có lẽ thủ phạm chính là những tô phở
nóng hổi “đặc biệt tái nạm gầu, gân, sụn, vè,
sách…” và những cọng ngò gai, húng quế là món ăn
không thể thiếu trong đời sống của ông.
Ông Hội có dáng cao
lớn, nhanh nhẹn. Ông chọn chiếc xe 4 Runner để đi thay
vì mua một chiếc xe nhà giản dị. Tuy gần tám mươi
nhưng trông ông Hội thật trẻ trung, cộng thêm tài ăn
nói hoạt bát, lúc nào cũng học hỏi, thích giao thiệp
nên ai cũng mến ông. Với kinh nghiệm làm tại bệnh viện
và kiến thức về y học, nên ông Hội không nghĩ đến
cái rủi ro một phần trăm đó sẽ xẩy ra cho ông. Nhất
là bệnh viện này rất nổi tiếng chuyên khoa về tim. Đứa
con gái của ông hỏi nhỏ:
- Ba có đọc kinh hay
cầu nguyện gì không?
Ông Hội nói ngay
không ngần ngừ:
- Có gì đâu mà phải
lo lắng, mẹ của cô lúc nào cũng phù hộ cho Bố rồi…
Rồi cũng đến giờ
ông Hội phải vào phòng giải phẫu. Hai người y tá lên
phòng và đưa ông qua hành lang thật dài…Khuôn mặt của
ông chợt tái nhợt hay tại vì đèn nê-ông ở hành lang
làm thay đổi mầu da! Đứa con gái nói nho
nhỏ:
- Chúc Ba may mắn, Ba
yên tâm, con chờ ở ngoài cho đến khi xong.
Trong phòng giải phẫu
ông Hội nhìn lên trần nhà cao thấy có vòm kính lớn, đó
là nơi để sinh viên y khoa đến học hỏi. Ông Hội cố
nhìn chung quanh để nhận diện trong 6 người bịt kín
mặt, chừa hai mắt và tất cả đều mặc áo xanh phòng
mổ, ai là bác sĩ Jadet thì nghe thấy tiếng ông ta vang
lên:
- Ông Hội cứ yên
tâm, trong 3 tiếng đồng hồ nữa, những mạch máu tim bị
tắc nghẽn sẽ được thay thế và ông sẽ khỏe mạnh
hơn trước. Bây giờ sẽ có bác sĩ gây mê cho ông!
Chỉ sau hai ba câu trả
lời, ông Hội chợt thấy hai mắt nặng chĩu…Ông thấy
thân thể nhẹ nhàng, bay lướt qua căn nhà bằng đá vòm
cong của người dân Eskimo ở Bắc cực. Nhưng lạ quá tại
sao nó mầu xám như xây bằng xi măng và tối tăm nóng
nực…
Lúc đó, trong phòng
mổ, người ta cắt bên phía chân trái của ông Hội để
lấy một mạch máu dài dùng làm những đường vòng
(bypass). Xương lồng ngực của ông Hội đã được cắt
ra để dễ dàng cho việc mổ xẻ… tiếng máy móc đang
hoạt động, tiếng dụng cụ phòng mổ lách cách, tiếng
nói của nhóm bác sĩ và y tá, tất cả nhịp nhàng ăn
khớp…
…. Đột nhiên, ông
Hội gặp mẹ của ông trong căn nhà có những cánh
cửa gỗ trạm trổ thật đẹp ở miền Bắc. Ông Hội kể
cho mẹ nghe, ông là học trò giỏi nhất của trường được
Thống sứ Bắc kỳ thời đó ban thưởng đi bãi
biển Sầm Sơn cùng với học trò ưu tú của trường Tây
học khác. Đây là phần thưởng đặc biệt và vinh dự
cho học sinh giỏi nhất của mỗi trường. Điều
kiện là học trò phải may hai bộ quần áo short xanh và
chemise trắng nhưng mẹ ông bỗng nhiên qua đời, trong lúc
bố của ông là phú thương xa nhà. Vì tang gia bối
rối, nên không ai lo sắm sửa cho ông hai bộ quần áo mới
đó. Phần thưởng ưu tú mà ông luôn ao ước và hãnh
diện đã phải nhường lại cho người học trò giỏi
đứng sau ông trong danh sách.
…Mẹ ông mỉm cười
hiền hòa không nói, ánh mắt trìu mến; ông Hội cảm
nhận được tình thương bao la của mẹ. Ông đã thổ lộ
được nỗi niềm riêng, dấu kín trong tâm tư. Trong cái
hân hoan, hạnh phúc được giải thưởng danh dự đã gắn
liền với nỗi đau khổ của người con nhỏ vừa mất
mẹ, và đã mất luôn cả phần thưởng đi biển Sầm
Sơn.
Ông kể tiếp cho mẹ
nghe, mỗi lần đi học về, ông thích được ăn một bát
nhỏ cơm nóng vừa nấu chín tới để thử món tương làm
bằng đậu nành thật ngon của mẹ ông. Cái hương vị
của cơm nóng quyện với tương đậu của mẹ làm để
dành cho mùa thu, đã là những hình ảnh, hạnh phúc còn
lại về mẹ, cũng như ước mơ được đi bãi biển Sầm
Sơn đã được gìn giữ mãi trong trái tim đứa trẻ vừa
mười tuổi đã mồ côi…..bây giờ được kể lại cho mẹ của nó.
….Bỗng nhiên, Bố
của ông, mặc chiếc áo the đen, dáng cao lớn, vẻ mặt
nghiêm nghị, từ trong nhà bước ra, dặn dò:
- Con là con trai duy
nhất của Bố, người ta có câu "con độc, cháu
đàn" Con hãy mang vợ con vào Nam, sinh thêm con cái
và dạy dỗ cho chúng nên người, biết yêu thương, lo
lắng, đùm bọc lẫn nhau. Con nên tiếp tục học ngành y
khoa để có thể "cứu nhân độ thế" giúp
đỡ được người khác. Không nên xem tiền bạc, vật
chất là quan trọng...và không được làm điều gì thất
đức, mang tiếng dòng họ nhà ta…
….Ông Hội vừa quay
đi để dấu giọt nước mắt, thì chợt một tia chớp ông đang ở miền Nam, trong trường Võ Bị
Thủ Đức...Ông vừa
tốt nghiệp khóa 3 Thủ Đức, và trở thành sĩ quan huấn
luyện viên để dậy các sinh viên của trường Võ Bị
Thủ Đức cách xử dụng vũ khí cá nhân… Bên cạnh ông là vợ cùng các con thật
xinh xắn đang tíu tít vui đùa…
…. Thốt nhiên, sân bay rất rộng của Viện Bài Lao Ngô Quyền hiện
đến. Những sĩ quan quân y cao cấp Mỹ đến thăm bệnh
viện, từ trực thăng bước ra....Rồi những buổi chiều
thật êm ả, trên nền trời trong xanh, vài con diều của
thương bệnh binh thả bay, cao vút. Có khi thân diều được
gắn thêm một chiếc sáo, nên thoảng trong không trung, có
tiếng sáo vi vu nhè nhẹ. Ông Hội dành thật nhiều thời
giờ để nghiên cứu và áp dụng cho Viện Bài Lao, những
điều ông đã học hỏi được trong những lần tu nghiệp về quản trị bệnh viện ở nước ngoài. Ông cũng thấy
cả vườn hoa tươi thắm mà ông đã khuyến khích các
thương bệnh binh nên tự tay chăm sóc, để giúp họ thấy
thanh thản hơn với đời sống ở trong bệnh viện.
….Chợt có nhiều
tiếng ồn ào, tiếng phần phật của
những cánh quạt trực thăng đang chờ đáp xuống. Ánh
đèn pha chung quanh chói sáng, rọi vào sân bay có dấu chữ
thập ở Tổng Y Viện Cộng Hòa, ông Hội thấy mọi người mau lẹ chuyển thương bệnh
binh, không đầy mười phút sau lại một máy bay khác
đáp xuống.
Đời sống trong hai
bệnh viện Quân Y đã giúp các con của ông học
được về nhân phẩm và giá trị của con người…Ông
chợt thoáng buồn khi thấy hiện lên những khuôn mặt xu
nịnh, phe phái, hay cũng có thể đó là ý Trời nên ông
phải nhường lại chức vụ lại cho người không có kinh
nghiệm về quản trị bệnh viện nhưng lại có phe phái,
quen biết cao cấp ở Bộ Tổng Tham Mưu….Các con của ông
luyến tiếc căn nhà trong Tổng Y Viện, chỉ vì có cây
mận thật lớn rất nhiều trái, gần một lô cốt canh
gác. Bên cạnh là một thửa vườn nhỏ, mà đứa con trai
út của ông, đôi chân nhỏ bé chập chững chạy theo
những đàn gà, vịt con con, miệng kêu “bập..bập…” thật ngộ nghĩnh
để gọi gà vịt.
…. Trong chức vụ
mới, mỗi khi đi thanh tra
các bệnh viện quân y ở tỉnh lỵ, ông Hội rất thanh liêm và có dịp được gần gũi với
quê hương, được thưởng thức những món đặc
biệt của miền Nam; mắm và rau, mắm kho, mắm lóc…Lời
của cha mẹ dậy dỗ “ở hiền gặp
lành” không được làm điều gì thất đức, lúc
nào cũng văng vẳng bên tai…
Những yêu thương,
tâm huyết dành cho bệnh viện của ông không ngừng ở
đó. Một người bạn y sĩ chính trực,
tài giỏi, đã mời ông về làm quản trị cho bệnh
viện Vì Dân mới xây cất, rất nổi tiếng để có thể giúp đỡ cho
mọi tầng lớp dân chúng. Sau vài năm, mọi chuyện đã
khá ổn định, thì ông lại phải nhường chỗ làm một
lần nữa vì những con cá lớn nuốt sống cá bé…
Điều kiện trao đổi là thăng chức Đại Tá Tỉnh trưởng
hay làm Thẩm Phán Quân Sự hoặc đi Tham Vụ Ngoại Giao…Với
hai cử nhân Văn khoa và Luật khoa, vì buồn cho thế
thái nhân tình, ông chọn đi Tham Vụ Ngoại Giao…Rồi những xáo trộn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 hiện
ra trước mắt…
… Ông Hội với 2 đứa con không ăn uống, lênh đênh trên
biển 3 ngày đêm, cùng cả ngàn người khác chen chúc nhau
trên con tầu sắp bị chìm vì hết nhiên liệu. Lỗi này do
ông đã quyết định ở lại, mặc dầu có giấy tờ cần
thiết của DAO để di tản bằng trực thăng, nhưng ông cho rằng không đâu bằng quê hương, nơi
ông có thể phục vụ và theo đuổi lý tưởng của mình và gầy dựng tương lai cho các con...Rồi ông Hội là một người tị nạn đến
Indian Town Gap. Sáng mùa thu trời lạnh, mờ sương khói,
những cành cây phong (maples) thay mầu sắc thật rực rỡ
như một bức tranh…
…Ánh sáng bỗng nhạt
nhòa, ông đang làm trong một bệnh viện ở Pensylvania,
ông Hội không hề thấy đau lòng hay tủi nhục khi phải
đẩy một người bệnh đã tắt thở về nhà xác, có lúc
phải sửa soạn cho những người bệnh khác lên phòng
mổ….Ông cố gắng để làm cách nào đưa được
vợ con đến bến bờ tự do…rồi tin người vợ của ông, đã qua đời vì căn bệnh nan y ở
Việt Nam đã làm ông buồn không ít…
…Bất chợt, ông Hội thấy những chiếc máy
điện toán to lớn ồn ào trong hãng điện tử ở Cali. Ngày hãng điện tử đóng
cửa, ông gần sáu mươi, vốn liếng trong cổ phần của
hãng bị tiêu tan, cùng lúc người vợ thứ hai đòi ly dị,
chia của…tin ba đứa con sau cùng sẽ đến Mỹ sau 10
năm bảo lãnh…Tám đứa con của ông đã đoàn tụ sau nhiều năm
xa cách...có đứa đã trốn bằng thuyền, có đứa bị bắt
lại…
Ông Hội cảm thấy cả thân thể đang bị bao phủ toàn bằng những hạt cát thủy tinh thật nặng, bỗng nhiên như có ai kéo ông lên ra khỏi đụn cát đó. Ông nghe thoáng thấy tiếng ồn ào nói chuyện thật khó chịu... Bàn tay ông đụng vào một người và cố gắng ra dấu muốn được yên lặng. Bỗng ông nghe giọng nữ nói tiếng Anh có âm hưởng Spanish:
- Antonio! Xem này ! ông
ta vừa mổ tim xong, mà tay ông ấy đã đụng vào đùi tôi
rồi.
Vì ảnh hưởng của
thuốc gây mê nên ông Hội không thể mở mắt hay điều
khiển hoàn toàn các cử động được, và chưa kịp trả lời, hình như ông lại thiếp đi …
…..Ông
cảm thấy hạnh phúc vì 1995 gặp lại người chị ruột ở Hà Nội và
thăm mộ bố mẹ cùng mang tro của người vợ trải trên
biển Hạ Long. Ông đã đến bãi biển Sầm Sơn, tuy không đẹp
hay sạch sẽ bằng những bãi biển danh tiếng mà ông đã đi qua. Nhưng tại đây ông đã thấy cả
một nỗi niềm riêng. Trong yên lặng của sáng sớm hôm đó, ông Hội thong thả trên bờ biển Sầm Sơn một mình, trong lòng thật nhẹ nhàng, bình yên vì ông đã thực
hiện được giấc mơ của năm 10 tuổi.
Qua bao thăng
trầm, theo vận nước, từ Bắc vào Nam, rồi lưu lạc sang xứ người với tám đứa
con. Có những đêm khuya, ông chợt thức giấc, chợt nghe như
có tiếng máy bay trực thăng từ trận tuyến trở về với
những lính bị thương...nhớ cả những buổi chiều lái
xe Jeep đi thăm từng dẫy nhà của thương bệnh binh. Khu
thần kinh với những tiếng la hét điên dại. Ông Hội
cũng không quên ghé nhà xác của Tổng Y Viện để an
ủi thân nhân của những người lính tử trận, nơi
đó lúc nào cũng có hương khói quyện lẫn tiếng sụt
sùi, khóc than…
Ông Hội nghĩ đến
tám đứa con của ông. Ông Hội hãnh diện
vì từng là người lính Quân Y, tận tâm và tận dụng
tất cả khả năng chức nghiệp để phục vụ cho quân
đội, cho tổ quốc. Bây giờ con trai Út của ông sinh ra
trong bệnh viện quân y Việt Nam. Vừa 14 tuổi thì mồ côi
mẹ... sau khi tốt nghiệp kỹ sư điện tử ưu
hạng ở Cali, từng làm kỹ sư trong dự
án của chiến đấu cơ F16. Cậu hiện đang là Y Sĩ Trưởng
của bệnh viện trong căn cứ không quân của Mỹ... vì
ông Hội luôn nhắc nhở các con câu “cứu
nhân độ thế” như bố của ông thường nói…
Năm tiếng đồng hồ
trôi qua, chờ đã lâu mà vợ và hai cô con gái,
chưa thấy ông Hội được chuyển sang phòng hồi sinh, hậu
giải phẫu. Vẻ lo lắng hiện trên khuôn mặt của họ,
nhưng vẫn kiên nhẫn chờ đợi…
Đến mười giờ rưỡi
tối, ông bác sĩ Jadet vội vã bước ra, trong bộ quần áo
mầu xanh của phòng giải phẫu. Dáng mệt mỏi và cho biết
trước khi ghép lồng ngực ông Hội lại, thì bỗng nhiên
một đường vòng của mạch tim vừa ghép (bypass), đã bị
xoắn vì máu thông quá mau… gây biến chứng, làm tim
ngừng đập. Ông Jadet đã quyết định nhanh chóng, phải mang
tim ra khỏi lồng ngực và tiếp tục cho đập nhân tạo,
rồi sau đó thay dây bị xoắn bằng một đường vòng
khác. Ông cho biết trong nửa giờ nữa họ sẽ chuyển ông
Hội về phòng hậu giải phẫu. Cuộc giải phẫu đã mất
gần mười tiếng thay vì bình thường chỉ mất ba hay bốn
giờ. Chính vì tim ngừng đập nên ông Jadet cũng đang lo ngại
có thể gây ảnh hưởng đến óc và làm ông Hội có thể
“không bình thường” như trước…
Ông Hội không hề
biết rằng ông là một trong số một trăm
người có biến chứng khi ghép mạch tim. Tim ông ngừng
đập trong lúc giải phẫu, và giây phút mong manh “thập
tử nhất sinh” đó ông đã gặp lại cha mẹ, mà ông
tin rằng đó là những thiên thần che chở và bảo vệ
cho ông. Lần đầu tiên, tất cả cuộc đời của ông đã hiện
ra như một giấc mơ!
Sinh ra và trưởng thành ở miền Bắc, vào sống ở miền Nam 22 năm, rồi lưu lạc sang Mỹ. Ông không quên câu “nhập gia tùy tục”. Trong hơn 30 năm, ông luôn nhắc nhở con cháu để ý và tôn trọng giá trị con người, những điều hay của Việt Nam hay của xứ người đều nên học hỏi, cân nhắc khi áp dụng. Mỗi năm ông Hội đều gửi một món tiền nhỏ đến nhà thờ bảo trợ Methodist Church, ở Pensylvania. Cùng lời cám ơn về những lo lắng, về tinh thần cũng như vật chất mà nhà thờ cùng giáo dân đã giúp đỡ gia đình ông lúc đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ…ông cũng không quên nhắc các con cháu nên làm một quỹ chung để đóng góp, giúp đỡ cho những trẻ mồ côi, người già ở Việt Nam…
Tất cả các con và
dâu rể của ông Hội, từ phương xa đã dùng phương tiện
di chuyển nhanh nhất để thăm ông. Khuya hôm đó, trong
phòng đợi của khu vực hậu giải phẫu. Một gia đình
Việt Nam thật đông, nhưng mỗi lần chỉ có hai người
được phép vào thăm bệnh nhân Phạm Gia Hội ở phòng
hậu giải phẫu trong hai phút mà thôi…
(Kính
tặng Ba, người lính Quân Y với lý tưởng phục vụ cho
nhân loại và tổ quốc)
No comments:
Post a Comment