Monday, November 11, 2013

Ngày của Cha (2013)

 
Thời Pháp thuộc, ba tôi là một học sinh giỏi nhất trường được thưởng đi nghỉ mát ở bãi biển Sầm Sơn, nhưng không may bà Nội tôi bị bệnh, đột ngột qua đời, trong lúc ông Nội lại vắng nhà; nên cái háo hức và vinh dự được đi Sầm Sơn bị dập tắt vì gia đình phải lo ma chay…Hai nỗi buồn đã khắc sâu vào trái tim theo suốt cuộc đời của đứa trẻ chỉ vừa 10 tuổi…

Năm 1953, Ba tôi theo học Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và sau khi được nhận làm huấn luyện viên của trường, ông đã mang theo vợ và 4 con vào miền Nam…Hiệp định Genève chia đôi đất nước năm 1954…Ông Nội tôi tự tử vì không muốn thấy cảnh người cháu ruột đấu tố mình vì chính sách “cải cách ruộng đất” của CS thời bấy giờ…Ba tôi đã khóc và thật đau khổ khi nghe tin này!

Tình thương và cuộc đời Ba tôi hoàn toàn dành cho vợ và các con…Ông sống khí khái và không xu nịnh vì danh lợi nên khi gặp những thăng trầm…ông vẫn không sợ thất bại hay nản chí, tiếp tục học hỏi và cố gắng phấn đấu để nuôi nấng và dậy dỗ 9 đứa con… Ba tôi nhắc đi, nhắc lại lời của ông Nội: không cho các con học ngành Luật vì nếu gây oan trái chỉ vì tiền bạc sẽ tổn đức…chỉ nên học về y tế để có thể cứu giúp người, phải xem nhẹ tiền bạc, vinh hoa hay phú quý .v.vv…

Từ 1959 và sau những năm sau đó, Ba tôi được tu nghiệp về Quản Trị Bệnh Viện ở Mỹ nhiều lần. Ông rất cởi mở trong lối suy nghĩ, dậy dỗ con cái, vì cho là trai hay gái đều có khả năng học hỏi và làm việc như nhau…Ngoài việc khuyến khích học hành, Ba tôi cho chúng tôi học thêm gì mình ưa thích...Ông làm ở Quân Y, ngành Quản Trị Bệnh Viện và ông đã lấy 2 bằng cử nhân Luật và Văn Khoa…
Ở VN, chúng tôi được đi Hướng Đạo Việt Nam, đi cắm trại, picnic thường xuyên…Anh chị em chúng tôi từng nói đùa, nếu được đầu thai sẽ xin tiếp tục làm con của Ba Mẹ vì lúc nào cũng được thương yêu và chăm sóc đầy đủ…

Năm 75, khi phải sống ở ngoại quốc, Ba tôi tìm việc làm ngay, không ỷ lại vào sự trợ giúp của nhà thờ bảo trợ, ông nói vì họ còn phải giúp những người tị nạn khác…

Nhiều năm sau, khi chúng tôi lập gia đình dậy dỗ và trông nom con cái…y như Ba tôi, cũng hy sinh và dồn hết tình thương cho các con của mình…! Nhớ đến câu dặn dò của Ông Nội : “con độc cháu đàn” nên khi vừa được “kiểm kê dân số” Ba tôi đã có tổng cộng gần 40 người con, cháu, chắt và dâu rể chưa kể hai chắt sắp sinh trong năm 2013…

Các con trai, cháu trai (Nội hay Ngoại…) ở VN hay ở ngoại quốc đều có ít nhiều di truyền nét đẹp trai, cao ráo và tính hiền lành cùng lịch thiệp của ba tôi…Trách nhiệm với gia đình và vợ con đều được thế hệ các con và cháu gìn giữ thật tốt đẹp…

Riêng tôi, khi thấy con trai tôi vui vẻ chăm sóc cho cô con gái một tuổi ăn uống, vì vợ bận họp hành ... Tôi nghĩ là con tôi khôn ngoan và may mắn vì tuy bận rộn với công việc nhưng biết học hỏi để thay tã, tắm con, cho ăn uống, chia sẻ công việc với vợ…đó là biết hưởng hạnh phúc quý giá khi vui đùa với con cái lúc đứa bé còn trẻ thơ… Khác hẳn với quan niệm bếp núc chỉ dành cho đàn bà hay chuyện thay tã, tắm con không phải việc của đàn ông!

Tất cả vì lối sống khác nhau giữa Đông Tây và sự khác biệt giữa những thế hệ. Ngoài ra phải nói đến truyền thống, văn hóa cùng phong tục tập quán mỗi quốc gia nhưng căn bản dậy dỗ của gia đình sẽ đóng góp một phần không nhỏ về vị thế, vai trò của người đàn ông trong gia đình hay ngoài xã hội…và cũng sẽ ảnh hưởng không ít đến tương lai đứa trẻ…

Ba tôi chỉ là một người cha bình thường như những người cha Việt Nam khác, đã hy sinh và tận tụy một đời cho đất nước, cho các con theo truyền thống Việt Nam. Khi phải rời xa quê hương,và đến sống ở quê hương thứ hai, ông không quên nhắc con cái, nhớ ơn nơi đây đã cho ta tự do và cơm no áo ấm để tạo dựng tương lai cho thế hệ mai sau…nhưng trước tiên phải cố gắng hết sức mình!

No comments: