Bài viết


Le genre grammatical



Pourquoi, dès que c'est UNE galère, c'est tout de suite au FÉMININ? LA pluie, LA neige, LA grêle, LA tempête, tout ça, c'est pour vous les FEMMES! 
 
Nous, c'est LE soleil, LE beau temps, LE printemps, LE paradis! Vous, vous n'avez vraiment pas de chance: LA vaisselle, LA cuisine, LA bouffe, LA poussière, LA saleté, LA balayeuse.

Nous, c'est LE café dans LE fauteuil avec LE journal en écoutant LE hockey et ça pourrait être LE bonheur si vous ne veniez pas semer LA discorde et LA chicane.

Pour retrouver LE calme, je crois que nous devrions laisser LE genre décider. Vous pouvez regarder LA télé, mais nous choisissons LE poste. Même si LA télécommande vous appartient, nous avons LE contrôle. 

Mais ne voyez aucun sexisme là-dedans, oh non! D'ailleurs, entre parenthèses je vous signale que LE mot sexe n'a pas de FÉMININ. On ne dit pas LA sexe mais bien LE sexe d'une FEMME. Par définition, LE plaisir est donc pour les HOMMES. Car si les préliminaires sont rapides, c'est qu'ils ne sont qu'UN préliminaire. Plus que ça, c'est UNE perte de temps.

Après avoir obtenu UN orgasme, les HOMMES se retournent pour trouver LE sommeil pendant que les FEMMES vivent UNE frustration. 

D'ailleurs dès que c'est sérieux, comme par hasard, c'est tout de suite au MASCULIN. On dit UNE rivière, UNE marre d'eau mais on dit UN fleuve, UN océan. On dit UNE trottinette, mais UN avion à réaction! Et quand il y a UN problème dans UN avion, c'est tout de suite UNE catastrophe. 

C'est toujours LA faute d'UNE erreur de pilotage, d'UNE panne d'essence, d'UNE mauvaise visibilité, bref toujours à cause d'UNE connerie. Et alors là, attention mesdames, dès que LA connerie est faite par UN homme ça ne s'appelle plus UNE connerie, ça s'appelle UN impondérable.. 

Enfin, moi, si j'étais vous les FEMMES, je ferais UNE pétition. Et il faut faire très vite par ce que votre situation s'aggrave de jour en jour. Y'a pas si longtemps, vous aviez LA logique, LA bonne vieille 

logique FÉMININE. Ça ne nous a pas plu, nous les HOMMES et nous avons inventé LE logiciel.
Mais vous avez quand même quelquefois des petits avantages: nous avons LE mariage, LE divorce; vous avez LA pension, LA maison. Vous avez LA carte de crédit, nous avons LE découvert. Mais en général, LE type qui a inventé LA langue française ne vous aimait pas beaucoup... 

Bonne journée gardez LE sourire...(source: Internet)


 ***
Lily Huệ

Đỗ thị Hồi Sinh
Giọng nói của Lily Huệ có âm hưởng hay hay của miền Trung, xứ Quảng. Dáng vóc cao ráo. Nếu chia thân thể ra làm ba phần thì chị có một phần lưng và hai phần chiều dài từ eo trở xuống. Lối nhắm đo giản dị không cần dụng cụ, thước đo, chỉ cần liếc mắt một cái là chị sẽ được thầy bói xếp ngay vào tướng “trường túc bất chi lao”…
Chị Huệ có hàm răng rất đều và trắng. Nụ cười của chị rất tươi, hồn nhiên, mộc mạc. Không che dấu, làm điệu vì với âm thanh he he tự nhiên của tiếng cười, tự nó đã cho người nghe một cảm giác vui vui, thân thiện. Đôi mắt chị khi cười, nó nhỏ hẳn lại thành hai lá liễu thon dài và sắc nét. Tựu trung khuôn mặt của chị có nét dễ nhìn, dáng người cân đối, đẫy đà, làn da hơi ngăm ngăm vừa đủ để người ta cảm thấy ấm áp thân thiện…nhưng cũng có thêm một quyến rũ ngầm nào đó.

Chị Huệ có mái tóc dài, dầy, đen nhánh hơi dợn sóng tự nhiên. Hôm nay chị cột mái tóc lên cao, mặc quần jean capri lơ lửng. Cái áo ngắn tay mầu hồng phấn, để lộ cánh tay trần phơn phớt nhẹ một lớp lông măng mầu nâu thẫm. Cổ áo hơi rộng, có điểm một đóa hoa bằng vải voile mỏng ở phía ngực bên trái. Trên gò má và môi của chị cũng đánh phơn phớt mầu cánh sen. Chân đi đôi giầy cao gót mầu xanh dương, khoe những ngón chân sơn hồng tươi thắm. Nước sơn hồng chói này những đứa con gái nhỏ rất thích. Hai ngón chân cái vẽ ba đóa hoa trắng năm cánh thật nổi, nhụy hoa lấp lánh. Nhìn kỹ hơn một chút người ta sẽ thấy vết nứt nẻ ở gót chân, làn da khô nhám vì không có thì giờ làm cho mịn màng hơn. Khác hẳn gót chân hồng của những khách hàng đã được chăm sóc kỹ lưỡng trước khi bước ra khỏi tiệm. Tất cả những cố gắng dỏm dáng của chị Huệ, người đàn bà đang bình thản bước vào tuổi bốn mươi…

Lily Huệ hay than thở về vòng số 3 hơi thiếu của chị. Có lần chị bỗng nhiên vỗ vào mông cô Annie, người Mỹ và nói là:

- Tui chỉ ước được cái mông tròn cong như cô, tròn thiệt là tròn, đó mới thiệt là hấp dẫn, cô chỉ tui cách nào làm cho mông nó to hơn đi. Cô Annie cười đùa trả lời:

- Cái thiếu của chị nó ở đằng sau không quan trọng lắm! Vì người ta thích nhìn cái ở đằng trước hơn. Tôi lại mong được thêm một chút như vòng số 1 của chị. Lily Huệ có thể mua một cái quần lót có may độn cho mông cong hơn. Nếu chị thích cái mông cong mãi mãi, không phải tháo gỡ ra thì chị có thể đi bác sĩ giải phẫu độn mông như người ta độn ngực vậy! Nghe thế, chị liền lắc đầu quầy quậy vì không muốn tốn tiền và sợ đau.

Quả thật chị có một vòng số một khá phát triển so với vòng số ba. Khi chị mặc chiếc áo cổ khoét sâu, chỉ cần chị có những động tác vô tình cúi lên xuống khi mang chậu nước để rửa chân hay những động tác khi massage chân tay cho khách cũng đủ làm rung rinh đôi gò bồng đảo. Cái của trời cho khá đồ sộ ấy đã làm xốn xang bao nhiêu ánh mắt nhạy cảm rơi đúng vào cái rãnh sâu cứ vô tình nhấp nhô, nhịp nhàng khi massage lên xuống …

Tiếng bà chủ vang vang từ phía trước tiệm vọng xuống:

-Chị Huệ làm lẹ lẹ đi, có thằng Henry sắp đến làm massage đó nghen!

Chị Huệ ngước lên nhìn bà chủ rồi đảo mắt ngó cô Mai, một đồng nghiệp cũng đang bận rộn với người khách. Chị Huệ hơi bĩu môi, rồi cúi xuống tiếp tục xoa bóp bắp chân của bà Mimi… Bà Mimi là khách quen của chị hai năm nay, lúc nào cũng tay xách nách mang, vì bà cần tất cả vật dụng cần thiết của riêng bà, từ bồn rửa chân đến chén nước để ngâm tay, cả dũa, kìm kéo, và luôn luôn đòi cho được chị Huệ chăm sóc tay chân cho bà. Nếu bất ngờ chị Huệ không có mặt ở tiệm, bà Mimi sẽ thở vắn than dài và lấy hẹn khác chờ chị trở lại…

Cái bĩu môi của chị Huệ có lý do, vì chị biết nếu có người khách nào ngon lành cho hậu hĩ tiền cò (tiền tips) hay có vẻ sạch sẽ, vì chân tay sạch sẽ làm dễ dàng không nấm mốc; thân thể không quá to béo nếu để massage, hoặc không có nước da đen như cột nhà cháy thì ưu tiên sẽ được dành cho chủ tiệm, cho bà con, sau đó sẽ theo thứ tự của nhân viên. Bài học này chị học được lần đầu tiên khi, người chủ cố ý để dành cho chị cái thằng Henry, là một người khách gần 300lbs. Khổ người Henry to lớn như lực sĩ sumo của Nhật, lớp mỡ dầy ở bụng, ngực và mông chẩy dài, đong đưa theo nhịp bước chân. Chị Huệ làm massage hết cả hơi sức cũng không biết hắn có bớt nhức mỏi hay không, chị nói là chị đã làm với lương tâm vì thằng Henry thật hiền lành, tội nghiệp… rồi từ đó Henry trở thành khách thường trực của chị…

Điều gì đã làm cho chị được khách hàng quen thương mến, luôn lấy hẹn, chung thủy với chị. Có lẽ nhờ dáng vẻ chất phát, hiền lành, hay hoặc vì cái tính chịu thương chịu khó, hy sinh của người đàn bà sinh ra trên xứ Quảng, nơi chị chỉ cần học vừa đủ để chăm lo cho con cái và gia đình yên ấm...

Có thể những yếu tố nho nhỏ đó gom lại đã làm người ta không thể ghét chị lâu hơn một hai ngày… vì cái vô tư, giận đó rồi quên đó của chị…có những người trong tiệm, kẻ dèm pha nói chị tham lam, chèn ép, dành dựt khách hàng của bạn đồng nghiệp. Hình như không ai thù ghét chị được lâu, vì chỉ ngay hôm sau hình như chị đã vô tâm quên mất chuyện của ngày hôm trước, lại tiếp tục hích hích, he he cười nói vui vẻ thăm hỏi như không có gì xẩy ra! Thật tội nghiệp cho đối phương (của chị) nếu kẻ đó lỡ “nhớ dai và khó tha thứ” vì những chuyện bực dọc cũ, họ sẽ tự tiếp tục đau khổ mà thôi.

Một ngày chủ nhật gió âm u, trời đang chuyển mưa, tiệm vắng hẳn khách. Trong tiệm người xem truyền hình, người nói chuyện, ăn uống, chờ giờ về. Chị Huệ, cắm cúi đọc tờ báo như đang đánh vần và bỗng nhiên chị cất cao giọng Quảng hơi the the của chị, kéo dài ê a như để cố học thuộc cho bằng được.

Chưa đi chưa biết Đồ Sơn
Đi rồi mới biết không hơn đồ nhà
Đồ nhà tuy có hơi già
Nhưng là đồ thật hơn là đồ sơn
Anh Hùng, là người đàn ông độc nhất làm trong tiệm, có giọng Bắc rất êm ái, ngọt ngào. Sau khi nghe chị Huệ ngâm nga ba bốn lần mà vẫn không thuộc câu nói giản dị kia. Vì hễ vừa xếp cuốn báo lại thì chị đọc lộn tùng phèo câu nọ xọ câu kia, nghe thật chướng tai. Ấm ức mãi nên anh Hùng phải đằng hắng trước khi cất giọng:

- Bà Huệ à! Bà không biết người ta nói “cái đồ” là cái gì hay sao mà bà đọc to thế!

Thế là cả bọn nói giọng Bắc lẫn giọng Nam cười rú lên, trừ chị Huệ ngẩn tò te, cười he he vì không biết bị chọc quê, hồn nhiên cất giọng Quảng trong trẻo, hỏi lại:

- Anh Hùng biết thì nói cho tui nghe tại sao gọi là “Đồ Sơn”, vì “đồ cũ” thì tui biết là cái đồ xài rồi, còn “đồ nhà” là cái gì? Lần thứ nhất tui đọc được câu này đó nghen!

Lúc nẫy anh Hùng bực mình đảo lên xuống vài vòng, vì phải nghe lải nhải cái câu vớ vẩn kia nhiều lần. Bây giờ chị Huệ vì tò mò hỏi lại cho rõ, làm anh ta đỏ mặt tía tai, bàn tay vung vẩy, chỉ lung tung:

- Thì bà hỏi bà Mai, bà Hiền đi. Bà nào cũng có cái đó hết mà!

Chị Huệ có những lúc ngây thơ đáng yêu như vậy! Hình như chị đang bắt đầu bị ảnh hưởng lên xuống của kích thích tố trong người, nên chị cũng dễ vui buồn bất chợt hơn trước. Mỗi khi nghe đồng nghiệp ganh tị, nói xiên xéo, vì nếu tính tiền sơ sơ một ngày chị Huệ làm massage nhiều hơn số tiền làm chân tay cho khách hàng của họ. Thế nào chị cũng sẽ nói xéo lại câu muôn thuở, tỏ vẻ không vui:

- Làm “mét-xa” cũng mệt hết hơi sức, chứ không có ai tự dưng mà cho tiền ai đâu…

Đặc biệt có một lần độc nhất chị nhỏ nhẹ tâm tình thay vì nói xéo lại:

- Ba năm trước mới sang Mỹ hai vợ chồng tui đi làm hãng, rồi hãng đóng cửa tui phải học nail, mới có tiền nuôi con cái. Bây giờ có chút ít tiền mới mua được cái nhà, mua được cái xe cho tui (Lexus V6 mới tinh). Tui đi làm 6 ngày chỉ nghỉ một ngày thứ hai, về nhà phải giặt giũ, nấu nướng cho chồng con. Nếu có một lương không thể nào sống được như bây giờ…tui khổ lắm mà không ai biết được. Tiền mét-xa tuy có hơn tiền làm chân tay nước nhưng mệt lắm, nếu gặp người khách vừa phải, dễ tính cũng đỡ khổ, có khi gặp người mập to, quá khổ, hoặc là người nào da dẻ chắc nịch thì phải mét–xa hết sức, khách mới thấy phê, nếu khách không đã sẽ không trở lại nữa…Nói xong chị cầm cellphone đi xuống phòng ăn, lấy một ly nước lạnh, dường như không nghe câu hỏi bất ngờ:

- Chị Huệ làm massage trong phòng có bị người nào dê không?

Khách hàng quen yêu cầu chị làm massage có đủ loại người, già trẻ, nam nữ…Người thì nhức mỏi hay bị đau lưng, trật khớp. Có người khách cho “tiền cò” hậu hĩ làm chị rất hớn hở…khi có người khách quên không gửi “tiền tê” (tip) làm chị buồn xo ra mặt…Một ngày kia, con nhỏ Maria người Mễ được nhận để làm chân tay nước và massage. Chị có vẻ không vui vì con Maria vừa ăn mặc trẻ trung, hở lưng, hở bụng, lại nói tiếng Mỹ rất thạo. Bà chủ cố gắng chia đều khách massage cho hai người thợ. Một lần Maria từ trong phòng massage chạy ra, mặt mày không vui, cằn nhằn:

- Ông khách này kỳ cục quá, hắn đòi tôi massage thêm phần mông của hắn, rồi lại tự nằm ngửa lại; lấy tay tôi đụng vào cái kia của ông ấy đang sẵn sàng và nói sẽ cho tôi nhiều tip. Tôi từ chối không chiều theo ý của ông ta. Ông ta nói là người khác vẫn làm như vậy cho ông ấy có sao đâu…! Lần sau tôi sẽ không nhận làm massage cho ông ta nữa…

Chị Huệ không biết Maria nói điều đó vì chị cũng bận massage cho ông John ở phòng khác. Ông John là khách quen của cô Huệ, khoảng hơn sáu mươi. Ông không bao giờ lấy hẹn, có khi bất chợt ông đến đòi Lily Huệ massage cho bằng được. Có lúc ông ngồi chờ cả giờ, có khi ông về ngay. Mỗi lần được massage xong, khuôn mặt ông hồng hào, tươi tắn. Ông hay đeo kính mát và ít nhìn mọi người, nhưng luôn tận tay mang tiền tip cho chị Huệ và nhỏ nhẹ nói lời cám ơn.

Một đôi lần mọi người tụ họp nói chuyện vì ít khách và bà chủ đi vắng. Anh Hùng kể lại những éo le của người làm massage khi gặp đủ loại người khác nhau. Có ông hành nghề massage bị cô khách trẻ kiện vì khi massage lại lỡ chạm đến vùng địa đàng. Ngược lại có ông khách khi được massage quá sung sức, lại đề nghị được đặc biệt hơn nữa vì không chịu nổi sự vùng dậy, khởi nghĩa của phần thân thể khó kiểm soát kia…Còn một anh chàng trong lúc làm massage, không biết anh làm thế nào, mà bà khách chợt thấy xuân tình lên cao độ, chụp ngay vào phần quí báu làm anh ta giật mình, nhưng anh lễ phép từ chối vì anh đã có bạn trai... Từ những câu nói thân mật và những món tiền tips hậu hĩ sẽ dần dần đưa tới những cám dỗ khác…Maria còn trẻ mới vào nghề, nó la hoảng phản đối một lần nhưng không đầy hai tuần sau, chính ông khách đó lại yêu cầu Maria làm massage, và nó không từ chối được. Từ đó Maria không hề than phiền về một người khách nào khác nữa vì cô đã hiểu tại sao chị Huệ không trả lời câu hỏi liên quan đến việc massage…

Trong phòng massage đóng kín, chỉ có tiếng nhạc, tiếng sáo, tiếng suối, tiếng nước róc rách, tiếng sóng biển…Ngần ấy tiếng động nhẹ nhàng, êm ái cộng thêm bàn tay ấm áp điêu luyện của người làm massage đang di chuyển trên thân thể, giúp thư dãn từng thớ thịt, làm thần kinh bớt căng thẳng…Mọi chuyện đều dễ dàng quên đi trong chốc lát. Có người khách ngủ ngon lành. Có người khách đòi massage thật mạnh như ngắt véo. Có người muốn nhẹ nhàng như được vuốt ve...Lâu lâu Maria lại lén nhìn khuôn mặt của Lily Huệ từ phòng massage bước ra, hai gò má ửng hồng, có lúc như ngại ngùng từ khi biết Maria đã từng massage cho người khách đặc biệt đó, và tiền tip lúc nào cũng là tờ giấy hai chục…cùng lời cám ơn dịu dàng…Cũng có những người khách cám ơn thành thật và ân cần vì không còn đau lưng hay nhức mỏi chân tay…

Người đàn bà có tên của loài hoa trắng vẫn tỏ vẻ ngại ngùng khi thấy những cảnh yêu đương quá táo bạo trên đài truyền hình. Nhưng trong căn phòng massage đó, ai biết được điều gì đã xẩy ra. Mãnh lực của đồng tiền có thể làm thay đổi con người, cả quan niệm sống, thêm lối suy nghĩ thật giản dị mộc mạc, chân chất, nếu không nói cũng chẳng ai biết...! Chị Huệ đã dành trọn tiền tips do khách massage cho để giúp cha mẹ và anh chị ở Việt Nam. Cái tâm hồn cần trong trắng như hoa huệ hay phần thể xác phải giữ gìn mới là đáng quí?
Ngày đầu tháng 12, 2005

*****

 Danny Dũng
Đỗ thị Hồi Sinh
Sau khi được cố vấn Annie Hồng, một vũ nữ nổi tiếng lúc xưa, báo động trước về môi trường “neo”, cùng những lời đồn đãi với rất nhiều chi tiết của nhiều thành viên neo bạn của chị, sự hào hứng lúc đầu khi đi tìm việc của tôi đã giảm đi một nửa. Chị bảo tôi:

- Tui đã nói với bồ rồi, cái nghề neo này nó phức tạp lắm! chân ướt chân ráo lại chưa ở trong nghề nên bồ chưa biết rõ, nhiều thứ “chằng ăn trăn quấn” không hà, họ dành giựt khách, rồi móc mỉa, chửi lộn ghê lắm! Trước mặt thì nói phải xem như trong gia đình, chị em nấu nướng, ăn uống chung, đi chơi chung, nhưng toàn là đâm thọt sau lưng người ta không đó! Có chữ nghĩa như bồ kiếm nghề khác làm đi. Vào những tiệm lớn như Rô-bin-sần hay Mây-xì vừa sạch sẽ lại có bê-ni-phít nữa!

Tôi đến lần thứ hai để xem sơ qua cách sinh hoạt của tiệm…Đến tối tôi điện thoại từ chối, lấy lý do vì mùi bột móng tay, mùi thuốc sơn móng tay, mùi acetone rất nồng đã làm tôi nhức đầu, hắt hơi liên tiếp…nhưng thật sự vì tám đôi mắt việt nam nhìn trộm tôi nhiều lần như soi mói, dò hỏi. Tôi chưa hề làm việc chung với nhiều người Việt Nam như vậy, và lần thứ nhất xin việc ở tiệm nail nên đã làm tôi e ngại. Anh Dũng, chủ tiệm trả lời trên điện thoại giọng nói ngọt ngào:

- Chị Hạnh giúp dùm tui đi chị, chắc là chị bị nhức đầu vì trời nắng, mà chị vừa đi thể thao về, mùa này chị có thể bị dị ứng hoa cỏ chứ Dũng làm mười mấy năm trong nghề có bị dị ứng gì đâu! Thuyết phục không được anh ta năn nỉ với giọng nói lắp tội nghiệp, thân thiện như trong gia đình:

- Chị.. chị Hạnh…giúp dùm em đi mà chị. Ngày mai chị…tới…tới…làm thử một tuần như… như…người trong gia đình nha chị xem có hợp hay không, trong tiệm Dũng có quạt hút không khí rất mạnh, không có gì nguy hiểm đâu chị!

Dáng người nhỏ thấp, giọng nói miền Nam, anh Danny Dũng được trời cho cách nói chuyện rất tự nhiên thân mật, anh anh em em rất gần gũi như quen đã lâu. Với dáng vẻ hiền lành chân thật và thêm một chút lúng túng vì luôn luôn cố gắng để tránh nói lắp; khi bối rối lại vuốt tóc, gãi tai, đã giúp anh ta tạo cảm tình một cách dễ dàng, với người nghe lẫn người đối diện… Và tôi đã nhận lời làm việc cho tiệm.
Tôi chỉ là người tiếp tân (receptionist) của tiệm nail, nhưng người chủ tiệm, Danny Dũng, sau khi nghe tôi khai báo về trình độ học vấn và kiến thức, anh ta phác hoạ rất nhanh và chi tiết về một dự tính tương lai cho phù hợp với kinh nghiệm của tôi, cùng những lời hứa, anh nói một mạch như đã dự tính từ lâu:

- Bây giờ tạm thời chị mang laptop của chị để dùng cho tiệm, chị lấy Excel để biết số khách và thu nhập trong ngày! Dũng sẽ gắn cho chị một máy computer ở tiệm, và mua một cái bàn riêng để chị làm việc, chị thiết lập một danh sách tên khách hàng cùng số điện thoại và địa chỉ của họ v.v… Sau 4 tuần training, Dũng sẽ tăng lương cho chị. Mỗi ba tháng sẽ cho chị thêm bonus, chị cố gắng bán được nhiều đồ dùng trong tiệm chị sẽ được chia tiền hoa hồng… Chị cứ coi tiệm của Dũng là tiệm của chị nha chị!

Vừa vào làm vài ngày, có lẽ được xem như người nhà và có thể tiệm của anh cũng được coi là tiệm của tôi, nên anh Dũng đã mang cho tôi hai túi nylon của chợ Wal Mart, chứa đầy giấy tờ, của tiệm lẫn của nhà. Lẫn lộn trong những thư từ quảng cáo đủ loại, có đủ loại hoá đơn từ năm trước mua thức ăn, đi restaurant, mua xăng, cùng hàng xấp bao thư mời thẻ tín dụng còn có những giấy tờ quan trọng và cả thư gửi bảo đảm cũng chưa hề được mở ra…Anh ta nhờ tôi xem, đọc dùm rồi giải quyết khi vắng khách…Tôi hỏi nhiều lần để biết rõ thêm chi tiết công việc và trách nhiệm của tôi trong tiệm nhưng anh Dũng chỉ training nói qua loa cách thức chia khách cho thợ. Tôi tự tìm hiểu thêm trên Internet về nghề này để biết cách làm việc cho có hiệu quả hơn sau khi biết đây là lần đầu anh mướn người để trả lời điện thoại.

Vừa làm nghề làm đắp móng tay, anh Dũng kiêm thêm nghề bán lease tiệm nail, hồ sơ đựng trong một chiếc cặp da đen to mang vào tiệm mỗi sáng, anh ta có hai điện thoại di động không ngừng reo vang. Trong lúc anh ta đang làm một sét móng tay trắng hồng hay đắp thêm bột móng tay cho khách, nếu một trong hai cái điện thoại di động của ông chủ reo inh ỏi thì tôi phải trả lời để lấy tên tuổi chi tiết; cùng lúc phải trả lời điện thoại lấy hẹn của khách trong tiệm nữa. Ngoài ra còn tiếp khách đến và đi, thu tiền cùng phải đọc và liên lạc giải quyết giấy tờ luật pháp, thương mại cùng những hoá đơn riêng tư của ông chủ tiệm…Tôi cũng phải fax và gọi điện thoại liên lạc với ba tờ báo để quảng cáo mỗi khi cần thêm hay bớt chi tiết để sang nhượng những tiệm nail hoặc mướn thợ.

Vì vậy, so với số lương kiêm tốn lúc vào làm sáu đồng hai mươi lăm xu một giờ, nhân viên trong tiệm đều nói là số lương quá ít ỏi so với cách giao dịch và khả năng giải quyết công việc của tôi, và nhất là so với số tiền mà họ kiếm được trong một ngày. Họ đề nghị sẽ chỉ bảo cho tôi cách làm móng tay, như vậy tôi sẽ kiếm được nhiều tiền hơn để có thể thay thế được chiếc xe cũ kỹ Corolla đời 82 của tôi, trong lúc chờ hợp thức hoá giấy tờ để được làm việc và ở lại trên nước Mỹ.

Những tuần lễ đầu tiên thật mệt mỏi vì chưa quen việc, phải lo tiếp khách ra vào, thêm hai túi nylon đầy ắp giấy tờ mà anh chủ tiệm giữ lại đã lâu …Tôi dễ xúc động, nên khi nhìn thấy những bối rối, yếu kém của anh phải cố gắng để không nói lắp mỗi khi nói chuyện thật tội nghiệp nên tôi đã tận tình giải quyết mọi việc cho nhanh chóng. Khoảng được ba tuần thì mọi chuyện đã ngăn nắp hơn trước. Tôi chia và xếp gọn từng loại hoá đơn, giấy tờ vào một thùng hồ sơ do tôi đi mua. Tuy cố gắng bỏ ngoài tai những lời đồn đãi về cá nhân và tư cách của anh đối với khách hàng và nhân viên nhưng hai chữ tại sao vẫn ám ảnh và gây thắc mắc vì không có lửa sao có khói! Một hôm anh Dũng chủ tiệm nói lúc tôi ra về:

- Nhờ chị Hạnh đến trông tiệm tối nay khoảng hai, ba tiếng đồng hồ vì có một người Mễ đến dọn dẹp, chị giúp dùm Dũng nha chị! Vì nhớ lời dặn dò, nhắc nhở của vài nhân viên trong tiệm, nên tôi trả lời:

- Tôi làm theo giờ, không ăn chia như các anh chị trong tiệm, nếu tôi đến tiệm sẽ tính tiền lương theo giờ. Khi thấy tôi nhận làm dùm, nhưng không như ý anh muốn (free) nên Dũng nói ngay không suy nghĩ :

- Ờ ờ! Dzậy…dzậy..thì thôi chị khỏi ra, lát nữa Dũng ở gần đây ra được rồi không cần chị đến trông tiệm! (Nhà của anh ta cách tiệm 5 phút và nơi tôi ở cách tiệm 25 phút)

Chưa đầy bốn tuần thì hai cô thợ nghỉ việc, lý do nghỉ việc cũng giống như những lời đồn đãi về anh ta; tôi vẫn chưa tin cho đến khi hỏi anh ta:

- Đã hết bốn tuần, không biết anh còn gì training cho tôi nữa không? khi nào anh lên lương cho tôi và sẽ lên bao nhiêu?

Hỏi đến chuyện này thì anh ta tỏ vẻ bận rộn như không nghe rõ và tảng lờ không đề cập đến nó nữa. Thế nhưng có lẽ ở hiền gặp lành vì hai hôm sau bỗng nhiên có một cô bé người Mỹ đến tiệm với bạn, vẻ mặt không vui, muốn nói chuyện với anh Dũng, cô ta nói

- Danny Dũng là thằng jerk, tôi đã đến trông tiệm 10 tiếng đồng hồ, tôi còn rủ bạn bè và chính tôi mua thêm hàng hoá, gần 300 đồng, để hy vọng được tiền hoa hồng, như ông ta đã hứa. Nhưng ông ta chỉ đưa tôi có 10 đồng, mẹ tôi nói sẽ thưa ra Toà nếu hắn không trả tôi 7 đồng một giờ! Anh ta không nhìn mặt cô bé và từ chối gặp gỡ. Anh lấy lý do vì cô học trò đó nghỉ sớm chiều thứ bẩy để đi chơi với bạn, không làm việc đến cuối ngày nên anh ta không phải trả tiền số tiền 70 đồng…

Tôi giải thích cho anh Dũng về nguyên tắc làm việc và chữ tín trong thương trường mà tôi được học hỏi trong những lớp về kinh doanh, quản trị. Tôi cũng phân tích thêm giữa anh ta và cô bé học trò kia không có giao kèo hay bằng chứng trên giấy tờ, nhưng tất cả mọi người đêu thấy cô ta có mặt tại tiệm, lại nữa hai mẹ con cô bé là khách hàng thường xuyên của tiệm. Nếu “bất tín” như vậy sẽ gây bất lợi cho tiếng tăm của tiệm, của chính cá nhân anh ta, và hơn nữa anh lại là người Việt! Cô bé kia đang học trung học và anh ta là một người trung niên trên bốn mươi. Mọi chuyện đã được dàn xếp ổn thoả, anh Danny Dũng đồng ý trả số tiền lương của cô, nhưng không chịu trả thêm tiền hoa hồng như đã hứa ngoài 10 đồng đưa trước. Tôi can thiệp và lấy lý do vì ngôn ngữ khác biệt để xin lỗi cô về những “hiểu lầm nếu có”. Nhờ cô bé này mà anh ta đã đồng ý tăng lương cho tôi.

Như đa số chủ tiệm nail, anh lái chiếc Lexus SUV đời mới, lúc nào cũng xách theo một cặp da lớn, đựng nhiều loại giấy tờ. Nhưng khi nhìn thấy anh đi đôi giầy da đen, bị sướt mõm, bạc mầu nhất là khi bước đi, không biết anh kéo lê gót chân trên nền đá hoa của tiệm cách nào mà lại phát ra những tiếng kêu xệch xệch xệch, cộng thêm khuôn mặt lo lắng, buồn thảm khi có vấn đề tiền bạc, luật pháp hoặc khi vắng khách hàng, đột nhiên người ta sẽ cảm tưởng giống hình ảnh một người tù đang kéo lê những xiềng xích vô hình, là những món nợ trần gian nặng chĩu, của tiền bạc, tiếng tăm, vật chất. Tóc anh khá thưa, thấp thoáng trên đầu có nhiều dấu sẹo nhỏ tròn thẳng hàng, người ta nói anh Dũng là thầy tu xuất sau 75. Có kẻ còn độc miệng hơn nói anh ta là “sư hổ mang” trốn lính. Lại có người nói chính người vợ đầu tiên đã giúp anh ta hoàn tục, nhưng đã ly dị sau khi sanh một đứa bé…cô ta lấy một người khác và anh Danny về Việt Nam cưới người vợ thứ hai…anh ta nói vẫn thường ăn chay vào ngày rằm và mùng một.

Không biết anh Danny ăn chay vì vấn đề sức khoẻ hay vì cần một chút thanh tịnh trong lòng. Nhưng cái thanh tịnh không tồn tại được bao lâu, khi bất ngờ có cô khách hàng ăn mặt hớ hênh bước vào, khi tầm mắt anh vừa liếc trộm lại đúng vào cái rãnh sâu thẳm giữa hai ngọn đồi ngồn ngộn của cô khách cao gần 1m70. Hay khi đôi mắt anh ta phải đảo nhiều lần vì một cô khách mặc quần low-raise ngồi xuống, cố tình khiêu khích những con mắt trần gian về mầu G-string, hay cố ý khoe hai mầu da của vòng mông cong hấp dẫn, phần được phơi rám nắng, chỗ được che đậy trắng nõn nà…

Khi khuôn mặt nào "bắt mắt” thì anh ta cố ý dàn xếp để phục vụ người khách đó ngay. Cứ nhìn thấy cách anh hăng hái, cố gắng dàn xếp, thì có lẽ các món ăn chay tịnh kia đã không có hiệu lực gì cả! Có lúc thích chí, khi được vài cô khách quen khiêu khích, chòng ghẹo thì anh cười khinh khích, mặt đỏ hồng và môi chum chím ra vẻ ngượng ngập như một người đàn bà không có duyên cho lắm đang được đàn ông tán tỉnh.
Không hiểu những người chủ tiệm neo khác ra sao, với tay nghề vững hơn 10 năm và làm chủ 5 năm, anh Danny Dũng rất thích cải tiến và biết cải thiện. Mỗi khi có người đề nghị những mối áp-phe, anh ta đều cố gắng làm ngay, không cần để ý đến những điều kiện, những dòng chữ đã được viết rất nhỏ cuối hợp đồng (…sẽ gây rắc rối!) Thí dụ người ta có máy ATM, thì anh cũng gắn ngay 1 máy để được bonus cuối tháng. Và cũng đang dự tính đăng quảng cáo để làm đại diện cho hãng đó nữa.

Rõ khổ! từ lúc có máy, lúc nào anh cũng bắt tôi phải kỳ kèo, năn nỉ khách, có lúc anh nhăn nhó gãi đầu, gãi tai than thở khi tôi quên mời” hay nói đúng hơn tôi không “yêu cầuhay nói rõ hơn là ép buộc” khách hàng lấy tiền mặt từ máy ATM. Thậm chí anh không bằng lòng khi khách trả tiền bằng credit card nên dán chữ OUT OF ORDER (tạm thời) trên máy. Nếu gặp khách hàng không có tiền mặt lẫn sổ check thì vẫn phải đồng ý cho khách trả tiền bằng thẻ tín dụng. Đa số khách đều biết tiền fee ATM 1.50$ và phải trả thêm cho nhà băng chính 2.50$ nữa. Đặc điểm của anh là mỗi khi nhờ chuyện gì, Danny Dũng xử dụng rộng rãi và dễ dàng chữ “làm giúp…, làm dùm…” nên một nhân viên đã nói đùa:

- Ở xứ Mỹ làm gì có làm dùm cha nội, cha đang làm business mà nói chuyện như đang làm sư ở trong chùa vậy! Danny Dũng làm lơ như không nghe thấy câu nói đầy ý nghĩa đó…

Đó là chuyện cải tiến, đến chuyện cải thiện thì cũng vì thích có lợi nhuận, chỉ tiêu là “thêm thu và bớt chi” càng nhiều càng tốt; nên anh thay đổi không ngừng cách quản trị, nếu có ý kiến hay những phê bình nào, có thể giúp thu nhập tăng thêm ít nhiều thì anh cũng cố gắng áp dụng ngay. Lúc thì anh chia cho các thợ thay phiên quét dọn và lau chùi tiệm, khi bị thợ phản đối thì anh ta phải mướn người Mễ dọn dẹp. Lúc để bớt chi tiêu giặt giũ, anh mua máy giặt và sấy nhưng phải trả lại máy vì sau khi biết phải làm hệ thống nước quá mắc, và khó khăn. Anh để hãng giặt và giao khăn mỗi tuần 1 lần và sau đó anh giặt lấy, vì đã có tôi xếp 200 chiếc khăn, vừa không phải mua khăn, cuối năm vẫn tính vào chi tiêu của tiệm. Anh lại nghe người ta nói phải trừ tiền “Tê” hay tiền cò (tips) khi khách cho trên credit card, cứ 5 đồng tips, anh ta tự động trừ 1 đồng, nhưng khi thợ lại đồng loạt phản đối thì anh ta lại phải bỏ qua…Ngoài ra có người thợ than phiền trong quá khứ anh Danny đôi lúc quên hoặc đưa thiếu tiền “” hoặc trả thiếu tiền lương…hoặc ký check mặc dầu không có tiền trong nhà băng. Tuyệt nhiên đó chỉ là những chuyện của quá khứ, vì khi tôi có mặt trong tiệm thì không có nghe vấn đề nhầm lẫn tiền bạc xẩy ra nữa... nhờ cell phone nên “…Tiếng xấu đồn xa…”: người ta đã nghe nhiều huyền thoại về Danny Dũng.

Có người nói anh Dũng biết dùng khuyết điểm nói lắp của anh đúng lúc, để biến nó thành ưu điểm trong lúc giao thiệp… Nhiều người nói anh ta có năng khiếu hứa “miệng” rất thành công về business, giống như các chính khách đi kiếm phiếu trước mùa bầu cử, nhưng đến khi thực hành thì không có bao nhiêu và không có gì chứng minh về lời hứa của Danny Dũng, vì thường là khi nói và hứa miệng chỉ có hai người mà thôi…!!! Người khác nói là anh có bùa chú hay ngải nói, nên khi anh nói ra nghe rất xuông tai nhưng khi về nhà nghĩ lại, người ta sẽ thấy có gì điều gì không ổn…

Anh Dũng yêu cầu tôi mỗi sáng phải pha cà phê cúng thần tài, và mỗi khi thưa khách, tôi phải tự động lấy chai nước hoa mầu hồng xịt tứ tung nơi cửa ra vào …như các bà hàng đốt phong long đuổi xui xẻo đi…cầu mong có thật nhiều khách hàng. Tôi từ chối làm việc này tôi không uống được cà-phê nên tôi pha rất dở, lỡ ông Thần tài uống không ngon sẽ ít khách hàng và nhất là anh Dũng xịt nước hoa sẽ linh thiêng hơn tôi. Anh cũng không vui mỗi khi thấy khách hàng táy máy dựng con voi bằng ngọc thạch đứng lên, vì anh lại phải mất công cho nó nằm rạp ngay tức khắc tránh điềm xui xẻo về tiền bạc…

Đa số nhân viên trong tiệm tỏ vẻ không hài lòng vì sự thiên vị khi chia khách, hay kể lại những bất bình đã xẩy ra trong khi làm việc. Nhưng theo như tôi biết thì không có tiệm nào là không có những lời “ma chê cưới trách” như vậy.

Có thể anh Danny Dũng với những dấu ấn tròn trên đầu của một thời có duyên may học hai chữ sắc không, nhưng anh đang may mắn hơn được vào vòng tục lụy”, để sống thực và hiểu thêm tại sao người ta lại đổ xô đi tìm cái chân lý tuyệt đối trong niềm tin và yên bình cho tâm hồn cho chính mình. Hàng chấm tròn trên đầu chứng tỏ anh đã từng khoác áo cà sa. Đời sống từ nhỏ yên bình trong một môi trường hiền hoà, có qui luật được che chở dưới sự từ bi thương yêu, dậy dỗ của Sư Trưởng, Sư huynh. Nếu sống trong môi trường yên bình, mỗi ngày chỉ kinh kệ, một năm vài tấm áo tu hành, không bị chi phối vì tiền bạc, vinh hoa phú quí thì có lẽ không riêng gì anh, mà mọi người sẽ không có dịp và không cần phát triển khả năng tự bảo vệ trước những cạm bẫy của cuộc đời.

Có lẽ khi hoàn tục anh Danny Dũng giống như một trang giấy trắng bắt đầu được viết lên những kinh nghiệm cuộc đời. Anh phải học rất nhiều về đời sống mới để tồn tại, để sống còn. Anh vào làm nghề “neo” đã lâu. Sau lần ly dị cũng đã làm anh lao đao, thoả hiệp ly hôn không có bằng chứng đã gây phiền toái không ít cho anh. Nhiều người đã giúp đỡ anh và có lẽ không ít người đã lợi dụng sự ngay thẳng lúc đầu của anh. Kinh nghiệm học hỏi trong một môi trường làm việc vừa là chủ và thợ như anh, có lẽ đã làm anh trở thành trở thành một trong “tứ quí” của ngành neo, trong địa bàn anh hoạt động …

Người ta nói anh Danny đang thực hành “ đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy…”, nhưng càng quay cuồng, quanh quẩn với tiền bạc, với business, thì cũng sẽ khó đứng vững để “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn…” Vì cái sức mạnh của đồng tiền đã được nôm na qua câu nói của dân gian sau 75 “…Tiền là Tiên là Phật , là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già…” . Năm tháng trôi đã qua tôi không cần làm list khách hàng hay thu nhập vào Excel vì tiệm không hề có computer và tôi cũng không có bàn làm việc. Thật ra Danny Dũng chỉ thích có nhiều khách walk-in thay vì nên built-up khách thường trực như business kiểu Mỹ. Tôi cũng không có huê hồng hay bonus sau 3 tháng như lời của anh chủ tiệm. Mùa Thu trời bắt đầu lạnh, khách hàng thưa vắng dần…mặc dầu chai nước hoa mầu hồng đã được xử dụng nhiều đến gần cạn và mỗi ngày đều có cà phê nóng, hoa quả để hối lộ ông Thần Tài…
Cali, tháng 10, 2004

No comments: